Sự “lợi hại” của SWOT với ngành logistic

SWOT là công cụ rất hữu dụng cho việc nắm bắt và ra quyết định trong mọi tình huống đối với bất cứ tổ chức kinh doanh nào. 

Mô hình phân tích SWOT

Viết tắt của bốn từ Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ), SWOT cung cấp một công cụ phân tích chiến lược, rà soát và đánh giá vị trí, định hướng của một công ty, một ngành hay của một dự án phát triển, một đề án kinh doanh, các điểm mạnh và điểm yếu là những đặc điểm tự thân, nội bộ của ngành hay tổ chức, liên quan đến nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính… Còn cơ hội và thách thức là những yếu tố từ bên ngoài đem lại, tạo ra những thuận lợi hay cản ngại cho sự phát triển của ngành hay tổ chức.

Trong quá trình vận dụng công cụ SWOT, các nhà quản trị thường lập một ma trận, bao gồm liệt kê các điểm mạnh chủ yếu và các điểm yếu bên trong tổ chức, tiếp đó liệt kê các cơ hội lớn và các đe dọa quan trọng từ bên ngoài. Sau đó, đề ra chiến lược khả thi có thể lựa chọn hoặc không phải lựa chọn. Chiến lược SO sử dụng những điểm mạnh của tổ chức để tận dụng những cơ hội bên ngoài.

Chiến lược WO nhằm cải thiện những điểm yếu bên trong tổ chức bằng cách tận dụng những cơ hội bên ngoài. Chiến lược ST sử dụng các điểm mạnh của doanh nghiệp để tránh khỏi hay giảm đi ảnh hưởng của những mối đe dọa bên ngoài. Còn WT là chiến lược phòng thủ nhằm làm giảm đi những điểm yếu bên trong và tránh khỏi những mối đê dọa từ bên ngoài.

Phân tích SWOT ngành logistics Việt Nam

Để minh họa về SWOT, chúng tôi tập hợp một số thông tin chính nhằm giới thiệu bốn nội dung của công cụ này đối với một ngành dịch vụ đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong khuôn khổ một bài báo, không thể đề xuất các nhóm giải pháp SO, WO, ST, WT mà một phân tích SWOT hoàn chỉnh thường làm, chúng tôi vẫn hy vọng đây là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà quản trị của ngành và của các công ty trong ngành.

Điểm mạnh: Quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam tuy nhỏ (khoảng 2 – 4% GDP), nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20-25%/năm). Với khoảng cách địa lý kéo dài hàng ngàn cây số trên trục Bắc – Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường dài ngày càng tăng. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển năm 2020 dự kiến tăng lên mức 900 – 1.100 triệu tấn, năm 2030 dự kiến đạt 1.600 – 2.100 triệu tấn.

Số doanh nghiệp thành lập  và hoạt động trong ngành logistics tại Việt Nam khá lớn và gồm nhiều thành phần. Cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp (vượt cả Thái Lan, Singapore), trong đó các công ty logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới (top 25 hoặc 30) đã có mặt tại Việt Nam. Các công ty nước ngoài hoạt động đa dạng, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ 3PL (Third Party Logistics) với trình độ công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp như tại các nước phát triển.

Điểm yếu: Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ, ít giá trị gia tăng hay gia công cho các công ty nước ngoài. Tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu (80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ vài tỷ đồng), tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế.

Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản, đặc biệt thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Mặt khác, sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ. Chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, trong đó chi phí vận tải chiếm 40 – 50% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác).

Cơ hội: Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm tới. Hoạt động thương mại phát triển mạnh, cùng với triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài, các khoản đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel…, sẽ tạo động lực cho ngành logistics phát triển mạnh hơn nữa.

Định hướng của Chính phủ về cải tiến các lĩnh vực bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, cơ cấu lại thị trường vận tải hàng không vào năm 2020 sẽ góp phần phát triển thị trường vận tải hàng hóa và tăng vai trò vận tải hàng không, đặc biệt là các khu kinh tế trọng điểm và vùng sâu vùng xa. Mặt khác, các thể chế như thủ tục hải quan, cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu… tiếp tục được củng cố, cải thiện.

Thách thức: Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, không đồng bộ, đặc biệt chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Vận tải đường bộ đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất toàn ngành, nhưng  hệ thống đường bộ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế như tỷ lệ quốc lộ thấp và khả năng chịu tải kém, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải tăng chi phí, thời gian, tăng rủi ro cho hàng hóa.

Vận tải đường sắt có sản lượng hàng hóa thông qua liên tục giảm trong các năm qua do cơ sở hạ tầng, công nghệ lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Vận tải đường biển cũng gặp nhiều khó khăn do sự mất cân đối, dư thừa tàu dẫn đến cạnh tranh gay gắt, giá cước sụt giảm liên tục.

Cơ cấu đội tàu biển còn nhiều bất cập, tỷ trọng tàu container rất thấp, chỉ chiếm 3.5%, đầu tư manh mún, không bền vững, chất lượng đội tàu còn thấp, số chủ tàu thì nhiều nhưng năng lực tài chính và trình độ quản lý còn hạn chế. Một thách thức đặt ra là khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu và nguồn vốn đầu tư cho giao thông hiện nay.

Trích nguồn: https://kinhdoanhvaphattrien.vn/su-loi-hai-cua-swot-voi-nganh-logistic/