Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, nên triển vọng phát triển ngành logistics rất lớn, mở ra hàng chục ngàn cơ hội việc làm trong những năm tới.
Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, nên triển vọng phát triển ngành logistics rất lớn, mở ra hàng chục ngàn cơ hội việc làm trong những năm tới.
Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cung cấp cho sinh viên các kiến thức: lập kế hoạch nhu cầu mua hàng, kiểm soát hàng tồn kho, xử lý vật liệu, vận chuyển, kho bãi, đóng gói sản phẩm, hỗ trợ dịch vụ và chiến lược quản lý chuỗi cung ứng.
Tương lai việc làm rất tốt
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, logistics là ngành mới xuất hiện vài năm gần đây và hiện đang rất “nóng”. Nguồn nhân lực ngành này cũng đang rất thiếu.
Mới đây, Bộ Công thương đã có cuộc họp bàn về phát triển nhân lực ngành này và có khuyến khích các trường có năng lực nên mở chuyên ngành đào tạo logistics.
“Quản trị logistics là khoa học dịch vụ tìm ra phương án tối ưu để luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng. Trong tương lai khả năng các cửa hàng lớn sẽ biến mất, chỉ còn dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Những bạn nào quan tâm tới lĩnh vực này thì nên theo học vì sẽ có tương lai việc làm rất tốt”- thầy Thư cho biết.
PGS.TS Hồ Thanh Phong – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho biết logistics là ngành học có cơ hội việc làm sau khi ra trường vô cùng lớn. Nhưng cần lưu ý những trường đào tạo về logistics điểm chuẩn ngành này thường cao nhất.
Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hoạt động của logistics bao gồm vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu.
Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.
Hiện tại ở Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp chuyên về dịch vụ logistics, lực lượng lao động được đào tạo đúng ngành này chỉ đáp ứng khoảng 30% nên phải tuyển dụng các nguồn lao động từ những ngành khác…
Hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
Học logistics có thể làm gì?
Nếu bạn là người có khả năng phán đoán tốt thì logistics chính là ngành học bạn phù hợp để theo đuổi. Ngoài ra, do tính chặt chẽ của hoạt động logistics, một trong những phẩm chất quan trọng của người làm logistics đó là tính cẩn thận, tỉ mỉ và kỷ luật trong công việc, bởi mỗi mắt xích của logistics cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy.
Bên cạnh đó, bởi lĩnh vực logistics luôn gắn liền với những giao dịch mua bán quốc tế, khả năng thành thạo một hay nhiều ngoại ngữ khác nhau sẽ là điểm cộng rất lớn với các bạn sinh viên mới ra trường.
Với tấm bằng đại học ngành logistics, có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên. Các bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, công ty vận tải hay các phòng ban như: phòng mua, phòng bán, phòng xuất nhập khẩu, phòng cung ứng vật tư, phòng dịch vụ khách hàng, phòng quản lý kho vận… của hàng trăm doanh nghiệp có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhỏ.
Người làm việc trong lĩnh vực logistics sẽ làm những công việc liên quan đến việc lên kế hoạch, thực thi và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa…
Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học logistics, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm…
Những vị trí công việc của nghề logistics
Lên kế hoạch – phân tích: tập hợp và phân tích dữ liệu, xác định vấn đề và phát triển những khả năng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.
Thu mua: xác định nguồn hàng cung ứng, đánh giá, lựa chọn đơn vị cung ứng, đàm phán hợp đồng và giữ mối quan hệ hợp tác với những người cung ứng.
Chuyên viên kiểm kê: kiểm kê chất lượng và độ chính xác của hàng hóa, giám sát lưu lượng hàng, làm việc với các kho hàng và chiến lược phân phối hàng hóa để tối ưu hóa năng suất lao động trong các cơ sở phân phối.
Nhân viên quản lý hàng hóa: kết hợp với các nhân viên thu mua, phân phối và cung ứng để đảm bảo quá trình phân phát hàng hóa hiệu quả.
Điều phối viên chuyên về vận tải: quản lý các mối quan hệ với các nhà vận tải và khách hàng để đảm bảo hàng hóa được phân phát đúng thời hạn.
Điều phối viên sản xuất/ phân tích viên: phân tích số liệu và dự đoán nhu cầu sản xuất trong tương lai, lên kế hoạch sản xuất hàng hóa.
Trích nguồn: https://tuyensinh.tuoitre.vn/logistics-nghe-hot-thieu-nhan-cong