(Dân trí) – Chất lượng đào tạo nghề ngành logistics bậc cao đẳng, trung cấp đang ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng mô hình doanh nghiệp dẫn dắt.
100% sinh viên ngành logistics bậc cao đẳng có việc làm với thu nhập cao
Ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Hàng hải I cho biết, mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) với phương thức doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu.
Đơn vị này đã tham gia vào mô hình LIRC thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Australia và Việt Nam (chương trình Aus4Skills) từ năm 2020.
“Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo giảng viên và thí điểm hai mô-đun giảng dạy mới. Hầu hết các sinh viên tham gia khóa đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp.
100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao. Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng”, ông Lưu Việt Hùng cho hay.
Thành lập năm 2017, mô hình LIRC được xem là mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt được thiết kế phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề logistics, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khóa đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề.
Mô hình này tạo nên sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính phủ, giúp tăng chất lượng sinh viên các trường nghề, đáp ứng phù hợp nhu cầu thị trường ngành logistics nói riêng và các lĩnh vực nghề nghiệp khác.
Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 24/10, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.
Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực, trong đó, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Vì vậy, tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Australia trong việc phát triển nguồn nhân lực với sự tập trung hỗ trợ hoàn thiện chính sách cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.
Người lao động gián tiếp đang nhiều hơn người lao động trực tiếp
Với chỉ số tăng trưởng 14-16% và quy mô 40-42 tỷ USD/năm, logistics hiện là một trong các ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hóa cũng như nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hóa, ngày càng bức thiết.
Những năm gần đây, ngành logistics được nhiều trường đại học mở ra và thu hút tuyển sinh với điểm chuẩn cao, trung bình trên 22 điểm. Tại một số trường như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, logistics là ngành có điểm chuẩn cao nhất nhì.
Tuy nhiên, nhân lực ngành này vẫn thiếu hụt lớn do thiếu các chương trình đào tạo nghề.
Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, tỷ lệ lao động ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) đáng lẽ phải là nhóm có tỉ lệ cao nhất nhưng Việt Nam đang ngược lại.
Lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở đại học, chiếm 10,9%. Lực lượng lao động trình độ cao đẳng chỉ chiếm 3,7%. Con số này ở trình độ trung cấp và sơ cấp lần lượt là 4,3% và 4,7%. Như vậy, cứ 1 người học đại học thì chỉ có 0,42 người học giáo dục nghề nghiệp.
Điều này cũng có nghĩa là người lao động gián tiếp (đại học) nhiều hơn người lao động trực tiếp. Tỷ lệ lao động ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp vốn đã rất thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua.
Mô hình tiêu chuẩn ở các nước là 1/4/10 hoặc 1/4/20, tức là cứ 1 lao động có trình độ đại học trở lên thường có 10 hoặc 20 lao động ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Điều này còn cho thấy, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập.
“Nền giáo dục, đào tạo Việt Nam đã có truyền thống thành tích rất tốt trong việc cung cấp các kỹ năng cơ bản, nhưng hiện nay, giáo dục, đào tạo Việt Nam phải đối diện với những thách thức lớn hơn về đào tạo các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới theo yêu cầu sẽ ngày càng gia tăng và thay đổi trong những năm tới đây”, ông Đào Trọng Độ cho hay.
Một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ở các bậc trình độ giáo dục nghề nghiệp là cần xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, cần tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp hàng năm trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Trích https://dantri.com.vn/giao-duc/loi-di-moi-cho-nguoi-hoc-nganh-logistics-20231024140258529.htm?fbclid=IwAR1nfZQjXPQ0XnaQbyBi-FTlEtORjUFupuqYXTK_zTZWfNiNKAP0JsKt2WM