Làm sao để trở thành thực tập sinh tốt nhất từ trước tới giờ?

20/01/2016 Mr. Vui Vẻ – HRInsider

Hồi xưa khi mới vào làm thực tập sinh, Vui Vẻ nghĩ thế này: “Làm sao để mình có thể trở thành thực tập sinh tốt nhất từ trước tới giờ?”. Từ kinh nghiệm bản thân và lân la trên mạng, Vui Vẻ tổng hợp lại các lời khuyên hữu ích để bạn tỏa sáng ngay từ ngày đầu đi làm nhé!

1

Chia Sẻ

Mấy ngày nay, Vui Vẻ đọc được rất nhiều bài viết về thân phận của thực tập sinh ở các công ty. Có bài kể về bao tháng ngày vui vẻ với công ty và công việc, nhưng cũng có không ít bài ta thán, phàn nàn về quá trình thực tập “lam lũ”. Nhiều bạn còn coi 3-4 tháng thực tập là một cực hình, chỉ mong sao cho chóng qua để được vào làm chính thức.

Vui Vẻ thì thấy thế này, thay vì cứ ca cẩm với công việc thường ngày của một thực tập sinh, tại sao không biến 3-4 tháng đó thành một quãng thời gian thật tuyệt vời bằng cách chứng minh cho sếp và đồng nghiệp thấy được rằng bạn là một nhân tố tuyệt vời, có ích cho công ty?

Hồi xưa khi mới vào làm thực tập sinh, Vui Vẻ nghĩ thế này: “Làm sao để mình có thể trở thành một trong những thực tập sinh tốt nhất từ trước tới giờ?”. Từ kinh nghiệm bản thân và lân la trên mạng, Vui Vẻ tổng hợp lại các lời khuyên hữu ích để bạn tỏa sáng ngay từ ngày đầu đi làm nhé!

  1. Xác định mục tiêu lớn của kỳ thực tập

Đây sẽ là mục tiêu xuyên suốt theo bạn từ ngày đầu đi thực tập cho đến khi quá trình đó kết thúc. Có nhiều bạn bảo với Vui Vẻ rằng, muốn trở thành một thực tập sinh hoàn hảo thì hãy đặt những mục tiêu liên quan đến thành công của công ty hay công việc mình đang làm. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng thôi, vì thực tập thật ra cũng là khoảng thời gian để hoàn thiện bản thân của bạn mà.

Vì vậy, ngoài những mục tiêu của công ty đưa ra, hãy dành mục tiêu lớn nhất cho bản thân mình. Đó có thể là nâng cao khả năng thuyết trình, tìm được định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình, hay thậm chí là trở thành chuyên gia (ở một góc độ nào đó) trong lĩnh vực mình đang làm.

Mục tiêu lớn nhất hồi đó của Vui Vẻ là làm sao nâng cao được khả năng giao tiếp của mình với các đồng nghiệp trong công ty. Nói thật chứ hồi xưa Vui Vẻ ít nói, sợ người lắm!

  1. Tìm kiếm, sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm việc hiệu quả

Làm thực tập sinh trong thời buổi này có cái hay là bạn có thể sử dụng rất nhiều phần mềm nâng cao năng suất làm việc của mình. Hãy thử tìm kiếm trên Google đi, có vô số ứng dụng hay và miễn phí giúp bạn làm việc thông minh hơn đó.

À mà thôi, để đỡ mất công, Vui Vẻ giới thiệu cho bạn 5 phần mềm hữu ích cho dân văn phòng luôn. Hãy tham khảo tại đây nhé!

Với riêng Vui Vẻ, Vui Vẻ sử dụng Trello để tạo danh sách làm việc hàng ngày của mình. Vui Vẻ thích phần mềm này lắm! Bạn thử xem sao!

2

  1. Xin thêm công việc nếu thấy việc hiện tại quá ít

Lúc mới làm thực tập sinh, Vui Vẻ chỉ được giao có bốn việc, làm đi làm lại hoài cũng thấy chán. Hai tuần sau, Vui Vẻ mạnh dạn xin anh sếp cho thêm một số việc nữa để lấp vào khoảng thời gian trống ở công ty. Ảnh vui vẻ giao cho Vui Vẻ thêm một mớ công việc nữa mà Vui Vẻ làm bán sống bán chết muốn tắt thở.

Nhưng Vui Vẻ không phiền muộn, ai oán. Vì được giao nhiều công việc khác nhau mà Vui Vẻ có thể nâng cao được khả năng và kiến thức của mình trong rất nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, làm nhiều việc cũng là cách Vui Vẻ tiếp xúc nhiều hơn với các đồng nghiệp mới.

Bạn hãy thử như Vui Vẻ xem. Nếu thấy việc ít quá thì đừng ngại xin thêm. Đã làm thì phải làm hết mình, đúng không?

  1. Đi ăn trưa với đồng nghiệp

Khi mới vô làm, Vui Vẻ nấu cơm ở nhà mang theo để đỡ tốn tiền cơm. Thế nhưng, vì đồng nghiệp của Vui Vẻ hay đi ra ngoài ăn nên thỉnh thoảng Vui Vẻ chỉ thui thủi ăn cơm một mình. Vậy là đánh mất rất nhiều cơ hội để thắt chặt tình đồng nghiệp rồi.

Vì vậy, nếu có khả năng, hãy đi ăn cơm với đồng nghiệp ít nhất ba ngày một tuần. Đây là cách bạn làm nóng tình cảm trong văn phòng, nghe ngóng nhiều chuyện “thâm cung bí sử”, và học hỏi nhiều chiêu trò làm việc hiệu quả của các đồng nghiệp đó!

  1. Hỏi, hỏi, hỏi, và hỏi

Vui Vẻ bị đồng nghiệp nói là: “Sao mà hỏi nhiều quá vậy?”, “Sao mà cái này cũng không biết nữa hả?” Mấy lúc đó Vui Vẻ chỉ cười trừ, nhưng mà không thấy quê gì hết trơn. Tại vì mình không biết mới phải hỏi, chứ biết rồi hỏi làm gì nữa. Mà nếu không biết mà cũng không hỏi thì cực kì tai hại. Thôi vậy nên thà làm con vẹt hay hỏi còn hơn làm một bức tượng lúc nào cũng im thin thít.

Các bạn thử học như Vui Vẻ xem sao.

  1. Đừng bao giờ từ chối bất kỳ công việc nào được giao

Có nhiều bạn cảm thấy rất khó chịu khi đột nhiên phải nhận những công việc từ trên trời rơi xuống mà không nằm trong mô tả công việc (job description) của mình. Cũng có nhiều lời khuyên hay bảo rằng hãy suy nghĩ, chọn lọc, và nói “không” đúng lúc với những việc mình không muốn làm hay không thể hoàn thành được. Vui Vẻ thì ngược lại, ai nhờ gì thì làm tất, trừ khi quá bận bịu không có thời gian thì mới từ chối.

Khi đi thực tập, được làm nhiều việc với nhiều người khác nhau là một cơ hội chứ không phải một gánh nặng. Khi có quá nhiều việc phải làm, tự dưng bạn lại được nâng cao khả năng quản lý thời gian hiệu quả nữa. Chẳng mất mát gì đâu, sao lại không thử?

  1. Làm báo cáo tốt nghiệp thật ấn tượng

Vào những ngày cuối cùng của kỳ thực tập, Vui Vẻ căng đầu chuẩn bị bài thuyết trình báo cáo lại tất cả những gì mình đã đạt được trong thời gian thực tập vừa qua. Nhưng Vui Vẻ làm mãi, làm mãi mà chẳng thấy hài lòng. Nhìn vào những bản nháp, Vui Vẻ thấy sao mà thường quá, sao mà giống các bạn thực tập sinh trước đó quá. Vui Vẻ không ưng.

Thế là phải tới bản nháp thứ ba Vui Vẻ mới hài lòng với bài thuyết trình của mình. Rồi đến ngày thuyết trình, Vui Vẻ tự tin đứng lên, thuyết trình như trò chuyện với các đồng nghiệp trong team. Tới đây, Vui Vẻ mới thấy hài lòng.

Hy vọng với bảy phương pháp trên đây, bạn sẽ trở thành một trong những thực tập sinh tốt nhất từ trước tới giờ ở công ty bạn.